Cơ sở sản xuất đồ gỗ Thành: Nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo tồn nét đặc sắc một làng nghề

TBV – Thành lập từ những năm 1979, với bề dày kinh nghiệm cùng kĩ thuật làm mộc “cha truyền, con nối”, Cơ sở sản xuất đồ gỗ Thành là nơi cho ra những sản phẩm nội thất gỗ đầy tinh tế, bền bỉ và chất lượng cao. Trải qua những thăng trầm, Cơ sở sản xuất đồ gỗ Thành đã xây dựng tên tuổi, uy tín với những khách hàng ưa chuộng sản phẩm từ gỗ, bên cạnh đó góp phần gìn giữ, phát triển thương hiệu “Phường thợ mộc Bồng Sơn”.

Nghề làm mộc “cha truyền, con nối”

Xưa nay, phong cách trang trí nội thất bằng nghệ thuật truyền thống luôn có một sức lôi cuốn kì lạ bởi không chỉ gợi lại những giá trị văn hóa cổ xưa mà còn tạo sự duyên dáng và quyến rũ rất riêng. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, Cơ sở sản xuất đồ gỗ Thành luôn chú trọng cho ra những sản phẩm hiện đại nhưng vẫn giữ nét đặc trưng của nghề mộc truyền thống Bồng Sơn. Cơ sở sản xuất đồ gỗ Thành tọa lạc tại số 169 đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây chuyên sản xuất những mặt hàng nội thất chất lượng cao như bộ bàn ghế salon, tủ búp phê, tủ áo 2-3 bồn, tủ thờ, tủ khảm xà cừ… Đặc biệt, những sản phẩm gỗ được làm hoàn toàn bằng thủ công từ những tay nghề tài hoa, điêu luyện và óc sáng tạo của người thợ mộc địa phương.

Anh Lê Hữu Mỹ (Sn 1982) chủ cơ sở chia sẻ: nghề làm mộc gia truyền có từ năm 1980 khi ông Lê Văn Thành (cha anh Mỹ) vừa học nghề vừa đi dựng nhà gỗ khắp nơi. Đến năm 1983, ông Thành quyết định chuyển sang làm đồ nội thất, mặc cho người thân đã ra sức khuyên ngăn. Đây cũng là bước ngoặc trong cuộc đời làm mộc của ông, những ngày đầu lập nghiệp, chỉ với một thùng đồ nghề gồm bào, đục, cưa… và một cái ghế bào (bàn để người thợ mộc ngồi làm) ai đến đặt gì thì ông làm nấy. Nhưng với cách làm thủ công và đời sống kinh tế thời điểm đó còn khó khăn nên thu nhập không đủ trang trải cuộc sống… Năm 1986 khi đất nước mở cửa, ông Thành quyết định vay mượn, hùn vốn đầu tư mua máy móc trong đó lớn nhất là cái máy cưa gỗ chạy bằng dầu. Có được máy cưa, ông có thể mở rộng sản xuất vừa xẻ gỗ gia công vừa thuê nhân công về làm tại xưởng, tạo ra sản phẩm được thị trường đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, ông Thành cũng manh nha ý định thay đổi mẫu mã sản phẩm sang những mặt hàng với lối truyền thống và các loại bàn ghế tân thời theo yêu cầu khách hàng. 

Theo phụ việc cho cha từ nhỏ, anh Lê Hữu Mỹ đã sớm được học nghề mộc và dần dần niềm đam mê theo đuổi nghề đã thấm vào trong máu. Bằng những kiến thức được truyền dạy, anh cùng em gái Lê Thị Liên (SN 1991) tiếp nối sự nghiệp gia truyền và phát triển mở rộng cơ sở đồ gỗ. Anh Mỹ cho hay “Uớc mơ của anh là có thể góp phần khôi phục cách làm truyền thống nổi tiếng của “Phường thợ mộc Bồng Sơn” đang bị mai một, bên cạnh đó phát triển ngành nghề tạo công việc làm ổn định, thu nhập cao cho những người thợ mộc.” 

Sản phẩm làng nghề truyền thống 

Với kinh nghiệm và am hiểu sâu sắc về gỗ cũng như nghề làm mộc, Cơ sở sản xuất đồ gỗ Thành hàng ngày cho ra những sản phẩm đẹp, tinh xảo, dày dặn, bền bỉ với thời gian, những vật dụng từ đơn giản đến cầu kỳ đều được chăm chút từng chi tiết. Với phương châm “Đã không làm thì thôi nếu đã làm phải lọc ra cây gỗ dày và tinh lõi nhất, đó là điều cốt yếu”, anh Mỹ luôn đảm bảo sản phẩm khi đến tay khách hàng đều đẹp bên ngoài, bền bên trong. 

Nội thất tại đây chỉ khoảng 30% nhờ vào máy móc, còn lại tất cả đều được mài dũa bởi bàn tay của người thợ vì thế khách hàng tin tưởng và tìm đến ngày càng nhiều. Không chỉ trong thị trấn Bồng Sơn, đơn hàng cơ sở Thành nhận được còn đến từ các huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Cát… ngoài địa bàn tỉnh còn có Quảng Ngãi và niềm Nam.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng, Cơ sở đồ gỗ Thành đã mở rộng quy mô xưởng sản xuất, đầu tư nhiều máy móc thiết bị, thuê nhân công làm tại xưởng và khoán cho nhiều thợ gia công, mỗi thợ giỏi chuyên làm một khâu để đảm bảo tăng năng xuất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, anh Mỹ còn thường xuyên phổ cập những mẫu mã mới nhằm bắt kịp xu hướng, phục vụ người tiêu dùng. Vào những độ cuối năm, khi mọi nhà chuẩn bị sắm sửa dịp Tết cũng là lúc Cơ sở Thành nhộn nhịp nhất. Máy móc hoạt động hết công suất, công nhân miệt mài ngày đêm, cố gắng hoàn thành những chuyến hàng kịp giao cho khách. 

Mặc dù, ngày nay những mặt hàng được sản xuất từ nhựa, nhôm, đệm mút công nghiệp… với mẫu mã bắt mắt, giá thành rẻ xuất hiện và chiếm phần lớn trên thị thường, thế nhưng nội thất gỗ vẫn giữ vững vai trò của mình trong cuộc sống hằng ngày. Tiếp nối truyền thống gia đình, anh Lê Hữu Mỹ đặt mục tiêu: Tạo ra những sản phẩm đặc sắc mang bản sắc của địa phương, đưa thương hiệu “phường thợ mộc Bồng Sơn” trong đó có Cơ sở sản xuất đồ gỗ Thành sánh vai cùng nhiều làng nghề khác trong cả nước.

Theo Ánh Tuyết – Làng nghề Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Liên hệ