Nhà mái lá ở Quảng Nam – Kiến trúc sinh thái (P.2)

Nhà mái lá ở Quảng Nam – Kiến trúc sinh thái (Phần 1)

Theo lời kể của chủ nhân hôm nay, cụ Trần Khiêm 80 tuổi, ngôi nhà được người bố của cụ Khiêm dựng. Căn cứ vào tuổi tác  của cụ Khiêm và bố của cụ, cho phép chúng tôi dự đoán ngôi nhà này được dựng cách đây khoảng 85-90 năm. Khi dựng nhà bố cụ Khiêm đã có một số thay đổi về vị trí cột và liên kết. Từ những bất cập mà những nhà chung quanh làng đang sử dụng như trong lòng nhà có quá nhiều cột, hạn chế không gian sinh hoạt (đây là yếu tố làm giảm diện tích mặt bằng mà ngày nay nhiều nhà Rường ở Quảng Nam đang bị chủ nhân hôm nay phá bỏ). Vì vậy một sáng kiến giảm bớt hàng cột cái  hay cột hàng nhất được bố cụ Khiêm ứng dụng (bản vẽ mặt bằng 2A – mặt cắt 2B).

1. Nhà tám nhì

Nhà cụ Trần Khiêm mang đầy đủ yếu tố của một ngôi nhà Lá Mái như ở Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định mà chúng tôi đã giới thiệu trên, nhưng bộ khung mái được đỡ bằng số cột giảm đi (yếu tố muộn) trong khi các ngôi nhà lân cận trong làng như nhà Nguyễn Huỳnh Anh, Nguyễn Đình Mẫn, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Thống, … có số cột nhiều hơn (yếu tố sớm) nhưng phần mái đất (trần chống cháy và nóng) vách đất đã bị tháo bỏ. Chúng ta chỉ được nghe mô tả nhưng với nhà cụ Trần Khiêm là rất may còn tồn tại để chúng ta có thể khảo sát, đo vẽ, nghiên cứu.

Như tên gọi quen thuộc của người địa phương, các nhà Rường nói trên gọi là nhà 8 cái nhưng nhà ông Khiêm có tên khác là nhà 8 nhì. Vậy nhà 8 nhì nghĩa là như thế nào ?.

Thông thường những ngôi nhà ở miền Trung trong đó có Quảng Nam với nhà có 3 gian 2 chái thường có số cột cái là 4 cột tiền và 4 cột hậu nên tổng số là 8 cột cái nên người Quảng Nam gọi là 8 cái hay 8 gỗ. Nhưng nếu người ta giảm 4 cái tiền 4 cột cái hậu để tăng không gian sinh hoạt (rộng thoáng) bằng cách tăng khẩu độ của trính/tránh, ta có trính trường; vì vậy chỉ còn là 4 cột hàng nhì tiền và 4 cột hàng nhì hậu nên gọi là 8 nhì. Loại nhà này thường sử dụng làm công trình phụ (nhà ngang), nhà đập lúa, nơi sản xuất để thuận tiện trong quá trình lao động sản xuất bên dưới.

1.1  Mặt cắt ngang (xem bản vẽ mặt cắt A-A)

Quan sát ngôi nhà từ trước ra sau, từ cột hiên đến cột  vách sau cũng như từ nóc đến sàn nhà ta thấy rõ nhà Lá Mái có hai tầng mái riêng biệt, cũng vách đất bao che. Thứ tự phần đỡ mái hiên như sau: một cột giữa (không bào) đường kính 10cm, cao 2,4cm đỡ mái hiên, đế cột có những mảnh đá chống lún ở bên dưới, kế đến là một cột vuông 13cmx13cm, đế 11cmx11cm, được bảo kiểu vỏ đậu, cột kê trên đế đá vuông 26cmx26cm, cột này đỡ một thanh kèo hiên (có chức năng nối cột) dày 25cm, bản rộng 13cm có chạm trổ xinh xắn, ở vị trí gặp nhau của kèo ăn mộng qua cột là chấm dứt chiều cao của cột 2,46m vì vậy người ta phải kê thêm một đoạn gỗ để đỡ kèo mái đồng thời trên lưng thanh kèo còn đỡ ván trần dày 2,5cm (trần hiên).

Thứ tự phần cột trong lòng nhà: cột hàng ba đến cột hàng nhì tiền khoảng cách 1,04m, cột hàng nhì tiền đến cột nhì hậu là 2,9m, tiếp tục đến cột hàng ba hậu là 1,13m, cuối cùng là vách hậu bằng đất dày 11cm, vách đất được níu giữ vào cột bằng những đoạn gỗ ngắn.

Như đã nói trên đây, kết cấu một vì đã giảm 2 cột cái tiền và hậu chỉ còn cột hàng nhì/cột nhì vì vậy đoạn trính nối hai cột này tăng thêm chiều dài nên gọi là trính trường có kích thước 11cmx14cm và có đến 2 trính: thượng và hạ cách nhau 45cm, khoảng giữa 2 trính có ván đậy che mặt ngoài được chạm khắc trang trí. Phần chân của trính thượng là ván dày 2,5cm xếp khít vào nhau, đây chính là phần trần gỗ bên dưới, bên trên đắp lớp đất sét trộn với rơm băm nhỏ. Nối cột hàng nhì với cột hàng ba là một đoạn trính nách 2 đầu nhỏ, ở giữa phình ra có chạm khắc. Tương tự trên lưng trính này có lót ván dày và đắp đất ở trên dày 6-8cm, trính nách ở cột hậu thì đơn giản chỉ là một đoạn gỗ không có chạm khắc nhưng trên cũng được lót ván và đắp đất. Như vậy qua lớp trần ván trên là lớp đất dày là cách phòng cháy hữu hiệu nhất nếu phần mái tranh ở bên trên bị lửa thiêu cháy. Mặc dầu hôm nay phần mái tranh đã được thay bằng ngói (ngói móc) nhưng ông Khiêm cũng cho biết rằng phần cột cao nhất (cột hàng nhì) vẫn không thay đổi, từ đế cột đến trính hạ là 2,82m đến trính thượng là 45cm và đoạn còn lại đến đỉnh cột là 40cm. Lổ mộng trên đầu cột lúc còn mái tranh vẫn còn dấu vết. Cũng thông tin cho ta biết thêm phần đoạn cột che khuất trần đất người thợ mộc để nham nhở như không cần bào nhẵn và 2 đoạn gỗ ngắn đỡ kèo nóc gá tạm và có đế kê trên lưng trính chống đỡ không ở vị trí giao nguyên mà ở khoảng giữa kèo tiền và kèo hậu (xem bản vẽ mặt cắt A-A).

Phần kèo gỗ đỡ toàn bộ 2 mái ngói mới sau này là loại kèo suốt/kèo luôn cũng không được bào nhẵn. Những khung tre (rui mè) được lợp tre ngày nay vẫn còn để lại trên trần đất (xem ảnh) trong tình trạng còn khá tốt.

1.2 Mặt cắt dọc (bản vẽ B-B):

     Dẫu là ngôi nhà có kết cấu với 2 tầng mái nhưng vẫn là ngôi nhà gỗ, nhà rường với chiều dọc giữ đúng gian giữa 1,72m, 2 gian bên 1,78m, 2 gian chái/hồi: 1,6m. Mặt cắt dọc chính doanh ở giữa 2 cột trong lòng (cột hàng nhì) từ đòn đông đến lớp đất làm trần có chiều cao đủ một người khom lưng di chuyển (ảnh 2) là 1,2m, còn lại từ ván lót đỡ lớp đất đến nền nhà bên dưới là 3,2m. Thông thường vị trí đỡ vì nóc có đòn đông bên trên cũng ở vị trí giao nguyên (nguyên là đầu nơi đầu kèo giao nhau) nhưng do chủ nhân thay đổi từ mái tranh sang ngói nên con đội chỉ chống đỡ đòn đông bên trên (xem bản vẽ mặt cắt B-B). Cũng vì từ mái tranh qua ngói nên lỗ thông khí ở hai đầu hồi/khu đĩ được tạo nên hai tam giác bằng cách xếp 3 viên gạch thẻ tạo thành một lỗ.

Cũng lưu ý rằng khi phỏng vấn cụ Nguyễn Huỳnh Anh, thì mái tranh lợp bên trên và mái đất bên dưới cách nhau khoảng 40cm nhưng người viết bài này trực tiếp leo lên bên trên trần của nhà cụ Trần Khiêm thì khoảng cách là 1,2m trần đất với đòn đông nhưng phần cuối cùng  xuôi của 2 mái chỉ còn một khoảng hở nhỏ từ 15cm đến 20cm. Nhà cụ Anh thì mái đất nghiêng xuôi theo mái tranh bên trên nhưng nhà cụ Khiêm thì mái đất (lớp trần đất) trải phẳng bằng, không xuôi theo mái, mặc dầu có giật cấp ở phần mái hiên và phần hậu. Chính vì vậy khoảng hở ở vị trí nóc nhà cụ Khiêm được nâng cao để tăng độ dốc cho mái giúp nước mưa thoát dễ dàng.

2. Kỹ thuật dựng nhà:

Như phần giới thiệu đã đề cập, công năng chính là chống cháy (vì chỉ mái tranh ở bên trên cũng đủ chống nóng), một nơi vùng núi đồi như làng Lộc Yên nói riêng và huyện Tiên Phước nói chung thì cách đây khoảng 50 năm là rất khó khăn để có ngói lợp nhà: xa trung tâm sản xuất ngói, đường giao thông kém, khi di chuyển loại vật liệu này dễ vỡ. Vì vậy sự trải nghiệm của người đi trước cộng với tri thức bản địa của người địa phương đã giúp cho người Lộc Yên sử dụng tối đa các vật liệu xây dựng tại địa phương trong phương cách dựng nhà.

2.1 Phần mái đất (trần) (xem bản vẽ mặt bằng trần 2D)

Chỉ cần khai thác tre trồng quanh làng, chẻ nhỏ đan thành từng tấm rồi ngâm nước bùn (ở ruộng thấp bên dưới chân đồi). Thời gian ngâm kéo dài đến 3 tháng là tốt nhất. Các tấm tre này được lắp vào trần nhà, chúng được đỡ bằng những đà gỗ hoặc tre (giữ nguyên thân) cũng được ngâm bùn, kế tiếp là một lớp đất sét ở ruộng có độ dẻo được nhào trộn với rơm (thân cây lúa sau khi thu hoạch) chặt nhỏ đắp lên trên các tấm tre này. Lớp đất nén chặt bằng chày, búa gỗ dày khoảng 8-10cm. Với nhà của cụ Trần Khiêm, phần trần lót cho lớp đất được sử dụng các tấm ván bằng gỗ dày 2,5cm lắp khít các cạnh vào nhau theo chiều rộng của lòng nhà. Các tấm ván này được giữ lại bằng những đà trần (đặt dọc ở bên trên). Tương tự phần đất hỗn hợp rơm được phủ bên trên.

2.2 Phần mái tranh

Với những lổ mộng còn để lại ở những đầu cột, kết hợp với những thông tin của cụ Khiêm cung cấp thì khoảng cách mái nhà tranh bên trên với mái đất bên dưới vẫn không thay đổi so với mái ngói mới hôm nay. Ngày trước khi làm phần mái tranh thì bắt buộc phần mái đất bên dưới phải thi công xong. Cụ Huỳnh Anh cho biết rằng các đầu cột nhà cụ ngày trước được xếp đá liên kết bằng đất sét cao đến 40-50cm sau đó đặt bộ khung tre bên trên rồi lợp tranh như nhà tranh tre bình thường. Và dĩ nhiên, để chống gió lốc thì bộ khung tre được neo giữ bằng dây mây, dây rừng với bộ khung gỗ bên dưới.

Riêng với nhà cụ Khiêm, làm muộn hơn nên đã lắp gá các khung tre làm mái này vào các đầu dư của các cột ở trên mái đất. Lưu ý rằng khung mái đỡ lợp tranh này rộng và che phủ được phần mái đất bên dưới, rõ nét nhất là vượt ra khỏi cột hiên gỗ (các cột được bào nhẵn, kí hiệu G2, G3, G4, G5). Tiếp xúc  với ngôi nhà tại Phù Mỹ (Bình Định), một ngôi nhà còn nguyên mái tranh (2004) thì phần khung tre đỡ mái tranh được gá giữ bằng nhiều đoạn gỗ, tre ngắn với trần mái đất bên dưới, những chỗ đầu cột tiếp xúc với mái đất được đắp cao tạo thành ụ và đa số các mái đất đều được đắp nghiêng theo mái tranh bên trên, phần bề mặt đất được miết kỹ, nếu phần mái tranh bị dột nước đất không bị xói và dễ chảy xuôi theo mái đất.

2.3 Phần thân nhà

Là loại nhà Rường, nên hầu như toàn bộ khung nhà, mái đất, mái tranh đều chịu lực trên các cột gỗ kê trên đá tán. Vậy nên phần thân/vách nhà nếu là kết cấu bằng đất cũng không hề gì. Lớp đất bao bọc quanh nhà cụ Khiêm dày 10-11cm đến nay vẫn còn tồn tại nhờ kỹ thuật kết cấu khá bền vững dẫu chỉ là Thổ – Mộc. Cắt ngang một đoạn vách nhà gồm các thành phần sau: 

– Phần lõi : thân cau ngâm bùn chẻ nhỏ đặt đứng theo chiều cao thân nhà gọi là cây mầm, tre cũng được ngâm bùn chẻ nhỏ đặt ngang theo chiều dài nhà gọi là cây trỉ. Cau và tre được liên kết với nhau bằng dây lạt tạo ô có kích thước 10x10cm.

– Phần bao: cũng đơn giản như mọi nhà vách đất chứa hỗn hợp đất sét trộn với rơm (đào hố rồi đặt 2 loại trên dùng chân nhào kỹ) đắp che phủ lên các lớp cốt tre và cau, khéo tay để tạo nền bề mặt vách đất khá phẳng (cả hai mặt). Trong nhiều năm nhà cụ Khiêm đã phủ nhiều lớp vôi trắng quét bên ngoài, hiện vẫn chưa phai.

2.4 Mặt bằng sinh hoạt:

Quan sát bản vẽ mặt bằng cũng như ảnh chụp ta thấy vẫn là ngôi nhà 3 gian 2 chái chỉ khác là khoảng cách giữa 2 cột tiền và hậu được nới rộng như sự giảm đi cột cái/cột hàng nhất để có tên gọi là nhà 8 nhì nên không gian nghỉ ngơi cho đàn ông khá thoải mái.

Gian giữa đặt bàn tiếp khách, gian 2 bên đặt bộ phản gỗ có kích thước khá lớn 1,66mx2,10m. Phần gian thờ được bố trí sau phần hậu của 3 gian, các khám thờ được nâng cao nền nhà 1,25m.

Hai gian hồi đặt xe rương (chứa đồ quí), giường ngủ (cũng của đàn ông), tủ chứa đồ và cất giữ nông sản … Phần đầu của gian hồi sát cửa dẫn xuống nhà ngang đặt bàn viết. Những năm trước nhà cụ Khiêm còn giữ được ngôi nhà ngang bằng kết cấu tre gỗ, đất nhưng trong năm 2006 đã thay bằng vật liệu mới gạch, xi măng, bê tông … Ngôi nhà ngang này vẫn dùng cho sinh hoạt của phụ nữ và con cháu.

Nhìn chung với ngôi nhà chính là kiểu 2 tầng mái nhưng vẫn là loại nhà Rường nên còn giữ đúng một mặt bằng sinh hoạt truyền thống.

2.5 Phần trang trí, chạm trổ:

Là ngôi nhà có phần trần che phủ nên các đầu, đuôi kèo không xuất lộ để trang trí. Phần gian thờ với 3 gian được trang trí khá tỉ mỉ với các khung đố thành vọng (ảnh 4). Khi sử dụng 2 trính (thượng và hạ) để nối 2 cột hàng nhì, chủ nhân biết che đậy 2 trính này bằng các tấm ván có chạm khắc là các ô chữ nhật, vuông với gờ chỉ, họa tiết hình thoi, hoa chanh. Ở phần hậu của 3 gian thờ, trên đầu các khung thành vọng cũng được chạm thủng với hoa văn dây lá (ô bông hạ); phần trên là ô hộc được bào gờ chỉ (ô bông thượng). Ngoài ra các ô bông xuyên của phần tiền được chạm khắc các câu chữ Hán, hai câu liễn bằng gỗ có những hoạ tiết và chữ Hán khảm bằng xà cừ gắn dọc trên hai cột của gian giữa tăng thêm sự trang trọng của ngôi nhà. Và để tăng thêm sự duyên dáng của các trính nách, cụ Khiêm gia công thảm trính uốn cong như cuốn thư và cưa lộng, khấc nhiều nấc trong lòng, hoạ tiết hoa lá cách điệu; các hoa văn gờ viền của trính được tô đen.

* So sánh về nhà Lá  Mái ở Lộc Yên với  nhà Lá Mái ở Quảng Trị và Bình Định

Qua mô tả của Pierre Gourou (sđd) và trong đợt đi khảo sát gần đây những ngôi nhà ở Bình Định, Quảng Ngãi (2005), Quảng Trị (2006). Tại Bình Định chúng tôi may mắn gặp được ngôi nhà còn giữ mái tranh và mái đất ở huyện Phù Mỹ (ảnh 6) là nhà của ông Hà Nhuận thuộc thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong. Ở Quảng Ngãi, kiến trúc Lá Mái ở tận ngoài đảo xa – đảo Lý Sơn hay Cù Lao Ré, nhà của bà Dương Thị Hướng.

Nhà ông Lê Lý5 ở Quảng Trị, chúng tôi theo mô tả tìm đến làng Liêm Công Tây và Di Loan nơi mà P. Gourou đã đến vào năm 1934 nhưng  hôm nay các kiến trúc ấy đã bị chiến tranh và một phần dân do người dân thay đổi nếp sống (đô thị hóa) nên đã tháo dỡ, hầu như toàn thôn là nhà mới với mái ngói. May mắn, một ngôi nhà được ông nội của anh Nguyễn Văn Thu, thôn Thuỷ Trung, xã Vinh Trung, huyện Triệu Phong mua từ làng Di Loan (trong tài liệu của P.Gourou là Di Luân). Đây là ngôi nhà Lá Mái mà đến thời bố của anh đã tháo dỡ phần mái đất bên dưới nhưng vẫn giữ phần lợp tranh ở bên trên (xem ảnh). Riêng phần thân nhà bằng đất bị hỏng, anh Thu vẫn tu bổ và cố giữ lại vách xưa. Từ những tư liệu viết đến hình ảnh kết hợp nhưng đợt thực tế đo vẽ, chụp ảnh chúng tôi có những nhận xét sau:

– Phần khoảng cách từ trần đất đến mái tranh ở Quảng trị thấp, Quảng Nam: trung, Bình Định: cao. Xem như nhà ở Quảng Nam là giai đoạn chuyển tiếp (chiều cao mái từ Quảng Trị đến Bình Định).

Vị trí nhàKhoảng cách từ trần đất đến mái tranhTỉnh
Nhà ở Di Luân (Pierre Gourou đã mô tả)40cmQuảng trị
Nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh40cmQuảng Nam(Tiên Phước)
Nhà cụ Trần Khiêm120cmQuảng Nam(Tiên Phước)
Nhà bà Dương Thị Hường60cmQuảng Ngãi(đảo Lý Sơn)
Nhà ở xã Tịnh Phong110cmQuảng Ngãi (Sơn Tịnh)
Nhà ông Hà Nhuận140cmBình Định (Phù Mỹ)

– Ở Quảng Trị (vùng đất bazan, xa trung tâm sản xuất ngói) đến xa hơn ở phía Bắc, tận ở phía Nam sông Gianh từng tồn tại những ngôi nhà Lá mái.

– Nhà Lá mái thường là nhà của phú nông (vì nhiều tài sản, vật dụng quí cần bảo quản tránh hoả hoạn)

– Không phải chỉ có nhà Rường (cột kê trên đá tảng) mới có 2 tầng mái, mà ngay cả loại nhà Rọi (cột chôn xuống đất) cũng là nhà có 2 tầng mái, vì chính những kho lúa, nông sản cũng được làm bằng 2 tầng mái để chống cháy.

– Nhà Lá Mái được làm bằng 3 vật liệu tre, gỗ và đất đá khai thác tại chỗ (trần bằng mái đất, thân nhà bằng gỗ)

– Kiểu thức nhà Lá Mái luôn có 2 kiểu thức kết cấu vì nóc: vì xuyên tâm và vì có trụ trốn/con đội. Khoảng cách từ trính (trến) đến đòn đông: nhà ở Quảng Trị khoảng 40-50cm, nhà ở Quảng Nam từ 1-1,2m, và nhà Bình Định từ 1,2-1,5m.

Nhà Lá Mái mà nhà địa lý Pierre Gourou đã mô tả tại Bắc sông Gianh đến Bình Định trong những năm 30 của thế kỷ XX đến nay chỉ có thể đếm không quá 5 đầu ngón tay. Những năm gần đây chúng tôi còn phát hiện nhiều nơi ở miền Trung Việt Nam như nhà của người Chăm(6)ở Ninh Thuận (gọi là Thang Lâm, kiến trúc nằm trong khuôn viên của dòng họ và dành cho người giàu)* Phú Yên, đến Quảng Ngãi và tận đảo Lý Sơn, cũng như sự phát hiện ở tại làng Lộc Yên nói riêng và các ngôi làng, xã của huyện miền núi Tiên Phước, Quảng Nam. Từ những cơ sở đó, chúng tôi khẳng định: đây là một kiến trúc mang đậm nét văn hóa của vùng mà người Việt đã tiếp nhận từ người Chăm đã chọn lọc với những ưu điểm trong việc sử dụng vật liệu Thổ – Mộc dễ khai thác, dễ tìm thấy, là một kiến trúc gần gũi, thân thiện với môi trường hòa hợp với thiên nhiên trong hoàn cảnh xa các trung tâm sản xuất gạch ngói.

* Kiến trúc sinh thái:

Các nhà nghiên cứu kiến trúc Việt Nam nhiều năm trở lại đây quan tâm đến việc nghiên cứu các kiến trúc từ vật liệu đến bố trí không gian hoà hợp, thân thiện với môi trường sống chung quanh. Đặc biệt những ngôi nhà trong vùng đô thị hoá để trở thành các đô thị lớn, thành phố lớn. Một chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu kiến trúc nhiệt đới là phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Huy Thắng đã có những khái niệm về “kiến trúc sinh thái”7 * (Ecological Architecture) có liên quan mật thiết với các khái niệm về khí hậu kiến trúc (climate Architecture); kiến trúc môi trường (Enviromental Architecture); kiến trúc xanh (Green Building) kiến trúc có hiệu quả năng lượng (Ennergy Efficient building) và kiền trúc bền vững (Sustainable Architecture). Đồng thời ông còn nhấn mạnh đến các học thuyết phương Đông, thuyết Tam tài (Thiên – Địa – Nhân) và thuật phong thuỷ về kiến trúc sinh thái.

Tóm tắt về thuyết này con người với trời đất là một thể thống nhất trong đó con người – các công trình kiến trúc và môi trường thiên nhiên (đồi núi, sông hồ, cỏ cây) được con người đặt ngôi nhà mình sống với bố cục, vị trí hướng nhà sao cho phù hợp với cảnh quan xung quanh.

Vậy trở lại những ngôi nhà xưa – nhà lá mái – có phải là kiến trúc sinh thái không? Ta có thể nêu lên những yếu tố mà giáo sư Thắng đã đề cập về khái niệm sinh thái. Khái niệm là khí hậu kiến trúc ngôi nhà nằm ở vùng đồi gò, ảnh hưởng vùng nhiệt đới gió mùa, gió Lào nóng: Quảng Trị, Quảng Nam và cả Quảng Ngãi, Bình Định đều bị ảnh hưởng. Vậy để chống nóng hữu hiệu, người ta đắp thêm lớp đất trung gian ở giữa mái để giảm bức xạ nhiệt của mặt trời. Lớp vỏ bao mái và thân nhà cũng giảm nóng và giảm lạnh. Như vậy loại mái đất trộn rơm đã khắc chế bất lợi của thiên nhiên khí hậu nóng ẩm vùng nhiệt đới cũng như phòng tránh những giông sét thường xảy ra ở vùng gần núi gây ra hoả hoạn cho những ngôi nhà dễ cháy là lợp mái tranh, mái rạ.

* Kiến trúc môi trường:

Đây là tính ưu việt của loại nhà lá mái, là nguồn nguyên liệu được khai thác tại chỗ mà không làm ảnh hưởng môi trường sống chung quanh mà còn làm tăng thêm màu xanh, là nguồn thực vật có ích cho con người , là hoa màu cây trái.. Như đã mô tả ở phần trên, người ta lấy đất ở chân ruộng với độ nông sâu để làm cao ruộng trồng lúa hoặc ao nuôi cá. Rơm, rạ, tre ngâm hoặc thân cây cau chẻ nhỏ cũng không qua chế biến, gia công phức tạp để có thể gây ô nhiễm môi trường. Và quan trọng nhất là những ngôi nhà ở Tiên Phước, Quảng Nam là đá khai thác tại chỗ (xung quanh vườn đồi) để giải phóng diện tích canh tác, tăng thêm diện tích đất, người ta dùng đá  gia cường, gia cố bờ kè, lối ngỏ vững chải, vừa ấm cúng vừa xanh mát cho nơi cư trú.

Một khái niệm về môi trường trong kiến trúc mà chúng ta cần phải luôn suy nghĩ trong điều kiện sống hôm nay là lượng khí thải độc từ các nguyên  vật liệu qua biến chế như: gạch nung bằng củi, than đá; khói bụi từ các nhà máy sản xuất xi măng, các khí độc từ nhà máy thép, kính, Inox, nhôm, nhựa, các mỏ đá khai thác bằng vật liệu nổ… những vật liệu xây dựng mà chúng ta đã và đang sử dụng hôm nay đều mang nhiều chất thải nguy cơ trong quá trình biến chế ảnh hưởng đến tầng ôzon và nguồn nước mà nhiều nhà môi trường đang cảnh báo. Còn kiến trúc xanh và hiệu quả năng lượng của nhà lá mái thì đã góp phần tiết kiệm nhiều nguồn năng lượng, ngôi nhà mát không phải sử dụng quạt (năng lượng cơ bắp – quạt tay và điện năng – quạt máy) là kiến trúc tạo nên sự điều hoà không khí và bảo vệ, gìn giữ được những của cải, tài sản của người tạo ra khi nhà bị hoả hoạn, chống nóng hữu hiệu nhất nhờ lớp đất làm trần ngăn cách mái tranh cùng lẫn vào khu vườn đồi xanh mát. Một vấn đề cuối cùng là nhà lá mái có là kiến trúc bền vững không?. Nếu nghĩ rằng các vật liệu có nguồn gốc là thảo mộc thì không bền vững nghĩa là tuổi thọ có giới hạn. Qua khảo sát tại Quảng Trị, nhiều lần tại vùng Tiên Phước- Quảng Nam và gần đây nhất tại Bình Định và Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn) Quảng Ngãi tôi thấy có nhiều ngôi nhà qua gần thế kỷ nhưng lớp đất và trần nhà, lớp hỗn hợp đất đá làm thân nhà cũng còn khá tốt. Thông thường mái tranh được thay thế sau khi đường giao thông từ nơi vùng sản xuất đến nhà được thuận lợi. Và sự xuống cấp chủ yếu là do chiến tranh (bom đạn). Nhưng một điều quan trọng nhất là quan niệm nhà tranh tre, vách đất là loại nhà tạm bợ cần phải nhanh chóng phá bỏ như một biểu tượng của cái nghèo khó.

Nhưng hôm nay vật liệu lợp này được quán xá ở vùng đô thị dùng làm mái nhà người ta ưa chuộng trong không gian mát mẻ gần gũi  thiên nhiên … Như vậy có thể vinh danh loại kiến trúc này là loại công trình có nhiều vật liệu ngăn ngừa được tác động của khí hậu nóng, hoả hoạn (do con người) đảm bảo môi trường sống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, sản xuất đời sống (phần trần đất nhà còn làm nơi chứa đồ, đặc biệt là bảo quản thực phẩm xem như là cái Rầm Thượng).

Cuối cùng người viết bài này lấy ý kiến của phó giáo sư Nguyễn Minh Sơn8 rằng: “Kiến trúc truyền thống Việt Nam luôn hướng hoà nhập thân thiện với thiên nhiên”. Còn Ken Yeang9 một kiến trúc sư nổi tiếng của Malaysia đã đưa ra khái niệm về “lớp vỏ công trình” coi đó là “bộ lọc môi trường” để lọc khí hậu từ bên ngoài vào bên trong nhà. Lớp vỏ công trình gồm mái, thân nhà, chính là cầu nối giữa con người và thiên nhiên…”.

Chú thích

(5) Trong chuyến khảo sát năm tháng 10 năm 2007, tôi được biết hầu như các kiểu kiến trúc bằng gỗ trước đây tại Cù Lao Ré đều có hình thức lợp mái theo kiểu nhà lá mái. Do điều kiện xa nơi sản xuất ngói,  ngay cả vách bao che được xây bằng đá, khai thác tạI chỗ và liên kết bằng vôi (đá san hô) và và nhớt cây thực vậtBảo tàng các dân tộc Việt Nam đã phục dựng lại ngôi làng này.

(6) Đọc “Kiến trúc sinh thái Việt Nam”. P. GS Hoàng Minh Thắng. Tạp chí Kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Số 136, tháng 8/2006.

(7) Đọc  “Sinh thái hoá kiến trúc – mô hình kiến trúc nhiệt đới tự điều tiết” của PGS Nguyễn Minh Sơn –  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc nhiệt đới. . Tạp chí kiến trúc Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Số 136, tháng 8/2006.

(8) Bảo vệ tiến sỹ tại đại học Cambridge người đi đầu trong lĩnh vực sinh thái, giải thưởng sáng tạo kiến trúc sinh thái tại Đại hội liên hiệp kiến trúc sư Quốc tế (UIA) tại Bắc Kinh năm 1999. (trích bài của TS. Hoàng Huy Thắng. Sđd).

– Những chữ in nghiêng là nguyên văn bản dịch của Đào Hùng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Liên hệ